GHI NHẬN LOÀI TRÀ MI HOA VÀNG LANGBIANG QUÝ HIẾM CÓ NGUY CƠ BỊ TUYỆT CHỦNG TẠI VƯỜN QUỐC GIA PHƯỚC BÌNH
Sau nhiều năm không ghi nhận phân bố ngoài tự nhiên, thậm chí có nghi hoặc về khả năng tuyệt chủng, mới đây, các viên chức thuộc phòng Khoa học và Bảo tồn thiên nhiên – Ban quản lý Vườn quốc gia Phước Bình đã phát hiện loài Camellia langbianensis (Trà mi Langbiang), một loài thực vật cực kỳ quý hiếm thuộc họ Chè (Theaceae), tại Vườn quốc gia Phước Bình, tỉnh Ninh Thuận. Đây là một phát hiện quan trọng, mở ra nhiều cơ hội nghiên cứu và bảo tồn đối với hệ sinh thái đặc hữu của khu vực.
Đặc điểm hình thái
Camellia langbianensis là loài cây gỗ nhỏ hoặc cây bụi thường xanh, cao từ 3-5 mét, cành non màu xám nhạt, nhẵn. Lá có cuống, dài 1,3-2 cm, lõm phía trên, nhẵn, lá dạng da, dày, hình bầu dục thuôn, đôi khi hình bầu dục hoặc thuôn, dài 13,5-17 cm, rộng 5-6 cm, mặt trên phiến lá màu xanh đậm, mặt dưới xanh sáng với nhiều điểm tuyến màu nâu nhạt, nhẵn. Hoa có kích thước trung bình, màu trắng hoặc hơi hồng nhạt, đường kính khi nở khoảng 4,7 cm, cánh hoa xếp chồng lên nhau tạo nên vẻ đẹp tinh tế. Cánh hoa gồm 14 cánh, hình trứng rộng ngược, bầu dục, dài 1,7-3 cm, rộng 1,5-1,8 cm. Cánh hoa bên ngoài có lông mịn màu trắng ở mặt ngoài, tất cả hợp với nhau và với bộ nhị khoảng 8 mm ở gốc. Bộ nhị nhiều, cao khoảng 2,3 cm, hợp vòng ngoài khoảng 1,3 cm, chỉ nhị bên trong rời, có lông, nhị hoa màu vàng nổi bật ở trung tâm, giúp thu hút côn trùng thụ phấn. Bộ nhụy gồm 3 lá noãn hợp thành bầu 3 ô, cao 2-3 mm, không lông, vòi nhụy 3, rời, dài 1,5-2 cm, không lông. Quả Trà mi hoa vàng Langbiang hình cầu dẹt, đường kính 4-5 cm, cao 2,8-3,2 cm. Hạt dài 1-2 cm, có lông.
Việt Nam được xác định là trung tâm phân bố các loài thuộc Camellia và là một trong hai quốc gia trên thế giới (Việt Nam, Trung Quốc) hiện tại có trà hoa vàng trong môi trường tự nhiên. Trong 55 loài thuộc chi Camellia ở Việt Nam, có 10 loài phân bố ở Lâm Đồng, đó là các loài: Camellia dormoyana (Pierre) Sealy; Camellia piquetiana (Pierre) Sealy; Camellia kissi Wall.; Camellia nervosa (Gagnep.) Chang; Camellia vidalii Rosmann; Camellia tsaii Hu; Camellia langbianensis (Gagn.) Phamhoang; Camellia vietnamensis Huang ex Hu; Camellia furfuracea (Merr.) Coh. et Swart; Camellia pubicosta Merr. Trong đó loài Trà mi hoa vàng Langbiang (Camellia langbianensis (Gagn.) Phamhoang.) là loài đặc hữu của tỉnh Lâm Đồng.
Hình: ảnh chụp hoa và lá loài Camellia langbianensis được phát hiện tại Vườn quốc gia Phước Bình
Giá trị sử dụng
Các hợp chất của trà hoa vàng thuộc chi Camellia có khả năng kiềm chế sự sinh trưởng của các khối u; giúp giảm hàm lượng cholesterol trong máu. Ngoài ra, loại trà này còn có khả năng làm giảm triệu chứng xơ vữa động mạch do máu nhiễm mỡ, điều hoà huyết áp và chữa các bệnh về tim mạch, tiểu đường, u bướu…. Hiện nay, có nhiều giống trà thương mại được lai tạo từ trà hoa vàng trong tự nhiên để phát triển vùng nguyên liệu sản xuất chè đen, chè Oolong...mang lại nguồn lợi kinh tế rất lớn.
Bên cạnh các giá trị về dược liệu, Camellia langbianensis còn có tiềm năng ứng dụng trong các lĩnh vực mỹ phẩm nhờ chứa các thành phần tự nhiên có lợi cho da, chiết xuất từ Camellia langbianensis có tiềm năng sử dụng trong ngành mỹ phẩm, đặc biệt là các sản phẩm chăm sóc da và tóc và lĩnh vực cảnh quan với hoa đẹp, lá xanh quanh năm, có giá trị cao trong trang trí cảnh quan và làm cây cảnh quý hiếm.
Hướng bảo tồn và nghiên cứu
Camellia langbianensis được xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp (CR) theo tiêu chuẩn của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Loài này có phạm vi phân bố hẹp, chỉ xuất hiện tại một số khu vực có điều kiện sinh thái đặc biệt. Sự phát hiện loài Trà hoa vàng Langbiang tại Vườn quốc gia Phước Bình cho thấy khu vực này có mức độ đa dạng sinh học rất đa dạng. Trà hoa vàng (Camellia langbianensis) là một loài dược liệu quý hiếm, có giá trị y học cao nhưng phạm vi phân bố tự nhiên rất hẹp và đang nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Vì vậy, việc nghiên cứu và bảo tồn loài này là một nhiệm vụ cấp thiết.
Hiện nay, Ban quản lý Vườn quốc gia Phước Bình đang tiến hành nghiên cứu chuyên sâu về đặc điểm sinh thái, di truyền của Camellia langbianensis, đồng thời triển khai các biện pháp bảo tồn như nhân giống, bảo vệ môi trường sống và nâng cao nhận thức cộng đồng. Những hoạt động này nằm trong khuôn khổ đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh được đề xuất, có tên: “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen các loài Trà mi (Camellia spp.) tại Vườn quốc gia Phước Bình, tỉnh Ninh Thuận”.
Việc phát hiện Camellia langbianensis không chỉ góp phần bổ sung vào danh mục đa dạng sinh học của Việt Nam mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác bảo vệ rừng và hệ sinh thái tự nhiên.
Quãng Đức Thạch – Phòng KH&BTTN